LITERARY CRITIQUES Phê bình và phân tích văn chương:
SOURCE: Gio' O
http://www.gio-o.com/DoanNhaVanDuongNhuNguyen.html
Đoàn Nhã Văn
Dương Như Nguyện Và Tâm Thức Trở Về Phương Đông
Mu`i Huong Que^', Dương Như Nguyện
(Van Nghe^. CA 1999)
Dương Như Nguyện viết không nhiều, thi thoảng mới có truyện đăng trên các tạp chí văn chương. Thời gian sau này bà dường như viết rất ít. Tuy nhiên, mỗi truyện ngắn hoặc tùy bút sau khi xuất hiện, đều để lại nhiều ấn tượng mạnh, làm ray rứt người đọc. Ở tập truyện Mùi Hương Quế, người đọc bắt gặp một trăn trở lớn, một tâm thức trở về phương Đông của một người phụ nữ thành đạt, đang sống và làm việc trong xã hội A^u Mỹ. Mùi Hương Quế bao gồm truyện, tùy bút và một vở kịch. Tuy nhiên, bài viết này chỉ giới hạn ở truyện và tùy bút, phần mà chúng tôi cho là tiêu biểu khi nói đến văn chương của Dương Như Nguyện.
Hai bài tùy bút, Những Cỗ Quan Tài Của Tĩnh Tâm và Mùi Hương Quế, in đậm một nỗi trăn trở về thân phận của người phụ nữ Việt Nam, trong suốt chiều dài của chiến tranh và ngay cả sau cuộc chiến.
Tùy bút của Dương Như Nguyện đẹp. Nét đẹp thoát ra từ tâm hồn của tác giả, người đã nhìn những nhân chứng sống của thời đại, nhưng rất gần gũi với chính mình, bà ngoại và Mẹ, để ôn lại quá khứ mà cảm thông cho phận đàn bà, mà chia xẻ với nỗi niềm riêng tư của từng cảnh ngộ. Lối viết của Dương Như Nguyện quyến rũ nhờ sử dụng những hình ảnh gần gũi với đời thường nhưng mở ra những rung động lớn. Những hình ảnh thoạt nhìn, chỉ là những phần riêng tư của một tâm hồn nhạy cảm, nhưng qua ngòi bút của Dương Như Nguyện, nó không còn là của riêng, mà nó đã thành của chung, ít nhất là của một thế hệ.
Thử nhìn lại một trong những hình ảnh xuất hiện trong tùy bút của Dương Như Nguyện:
“Tôi nhớ mãi có lần tôi bắt gặp bà ngoại tôi nhỏ lệ, không phải vì tuồng cải lương hay vì giận ông ngoại. Nước mắt bà thấm ướt mái tóc dài. Tay bà run lẫy bẫy. Bà kể cho tôi nghe một hình ảnh mà lâu nay bà vẫn thấy trong một giấc mộng đã ám ảnh bà cả đời. Bà dặn dò tôi dừng kể cho ai nghe, kể cả mẹ tôi.
Trong giấc mộng ấy, bà ngoại tôi, người đàn bà đẹp xứ Huế mang tên Tĩnh Tâm, ngồi một mình bên một bờ sông tĩnh lặng. Có thể là dòng Hương Giang, có thể là con sông Bến Ngự, hoặc có thể là khúc sông chảy qua làng Cồn. Trên dòng sông có những cỗ quan tài trôi từ từ, lặng lẽ.
Người đàn bà ngồi đợi để vớt những cỗ quan tài.” (Trang 23)
Dương Như Nguyện, thập niên 90 và sự ra đời của MÙI HƯƠNG QUẾ
NCQTCTT, creative non-fiction, is part of this collection of creative writings,
Mui Huong Que (The Cinnamon Fragrance), by Duong Nhu-Nguyen (Van Nghe Publishing, CA 1999); copyright 1999.
Quan tài? Vâng, chỉ có quan tài mới chuyên chở trọn vẹn ý nghĩa tử biệt - sinh ly. Chỉ có quan tài mới gói trọn những mất mát, cách ngăn, đau đớn, thống khổ, và vĩnh viễn không bao giờ gặp lại cái gì mình đã mất. Người đàn bà trong tùy bút của Dương Như Nguyện không còn là hình ảnh riêng, mà nó là hình ảnh chung cho bao nhiêu thế hệ phụ nữ sống trên đất Việt. Bà phải ĐỢI để vớt những cỗ quan tài. ĐỢI là một sự chấp nhận; một chịu đựng không một tiếng thở than, không một lời oán trách. Khi chấp nhận và chịu đựng, thì mọi thứ xem ra nhẹ tênh, tựa như lông hồng. Có xem mọi thứ đều nhẹ, ngay cả những cỗ quan tài, thì mới ngồi đợi để VỚT.
Thử đọc lại một lần nữa.
“Người đàn bà ngồi đợi để vớt những cỗ quan tài.”
Đơn giản. Dễ hiểu. Trong cái đơn giản cùng cực ấy và trong cái hình ảnh trần trụi ấy đã nảy sinh một rung động lớn, mở ra cả bề diện lẫn bề sâu của liên tưởng. Đó là lối hành văn của Dương Như Nguyện, một lối hành văn ít có người sử dụng, ở thể loại tùy bút.
Không chỉ trong chiến tranh, sau khi đất nước thống nhất, ám ảnh của những cổ quan tài vẫn dẫy đầy. Những cỗ quan tài có thể ập đến họ bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Đó là nỗi chết chóc trong rừng sâu, trên đường vượt thoát. Bởi thế, không ngạc nhiên khi Dương Như Nguyện cho rằng: “Tôi tự hỏi có người phụ nữ Việt nam nào nhạy cảm, là nạn nhân của xã hội chiến tranh đó, mà không mang trong lòng những cỗ quan tài của Tĩnh Tâm.” (Trang 29) Một câu hỏi không cần câu trả lời. Tự nó đã nói thay cho biết bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam thời cận đại.
Những cỗ quan tài không chỉ riêng của Tĩnh Tâm, mà nó đã thành của chung, cái mất mát chung, cái thương đau chung, cái nghiệt ngã chung của cả một thời đại. Biến được cái riêng thành cái chung, đòi hỏi một bút lực mạnh mẽ, đầy sức sống. Và ở Dương Như Nguyện, nhất là trong thể loại tùy bút, ta thấy được điều đó.
Ở Những Cỗ Quan Tài Của Tĩnh Tâm Dương Như Nguyện lấy hình ảnh quá khứ quá khứ để cảm thông, thì tùy bút Mùi Hương Quế viết về hiện tại để phấn đấu, viết về một Wendy trước những chồng hồ sơ khổng lồ, trước những tập đoàn, những tổ hợp trong thương trường Bắc Mỹ, nơi dành cho những gã đàn ông da trắng, những kẻ tốt nghiệp từ Harward, Yale, Standford, thi thố tài năng trước luật pháp của Mỹ quốc. Nhưng dù gì đi nữa, trước sau người đọc vẫn thấy một trăn trở, một nhung nhớ, một tìm về, dù là tìm về một mùi hương, như mùi hương quế.
*****
Nếu ở tùy bút, Dương Như Nguyện dựng lên những hình ảnh liên tưởng mạnh mẻ, sâu thẳm, thì ở truyện ngắn, Dương Như Nguyện tạo nên những nhân vật nữ đầy cá tính. Ở họ không còn là hình ảnh một đời chịu đựng và chấp nhận như những thế hệ trước, mà là một vươn lên, bứt phá, làm chủ lấy cuộc đời mình. Ở họ, phảng phất hình ảnh của những người phụ nữ thành công trên xứ người. Họ hội nhập mau chóng. Đó là ngững người phụ nữ trong những truyện ngắn “Tình yêu giữa hai dòng”, “Chủ Nhật của Eve, Singapore”, và “Người đàn bà đi tìm dấu chân”. Họ vượt ra khỏi những rào chắn cũ như truyện Trời Mùa Mưa Singapore. Họ bứt qua khỏi những cảnh chịu đựng ngàn đời của người đi trước. Họ làm việc cật lực, và đổ công sức gấp ba lần để đạt được những gì mà người da trắng đạt được. Ở họ không có sự đầu hàng. Trong tự điển của họ không có chữ “lép vế”. Họ đốp chát nơi tòa án, họ đại diện những tổ hợp, những công ty khổng lồ ở New York, ở Singapore. Họ leo Hy Mã Lạp Sơn, họ dấn thân vào những nơi chốn mà lớp người phụ nữ trước kia chưa bao giờ dám nghĩ tới. Và cũng trong sự hội nhập đó, họ đã sống và hít thở như một người Mỹ bản xứ, họ ung dung thoải mái làm những việc mà người đàn bà Việt Nam hiếm khi làm, dù là ở ngay tại nhà hay ở những nơi chốn riêng tư của mình. Họ tự do trong cung cách ngủ (Trang 119), họ thoải mái “ để ngực trần đi trong nhà” (Trang 133). Và ngay cả cách nhìn về người đàn ông của họ cũng thế. “Tôi định nghĩa đàn ông bằng sự ham muốn của họ. Sự ham muốn thể hiện trên bờ môi tham lam ngay trong khi ngái ngủ.” (Trang 133). Họ nói về tình dục rất thản nhiên, xa hơn nữa, họ nói về cái ham muốn của họ cũng hết sức bình thường.
Tại sao Dương Như Nguyện cố tạo nên cá tính mạnh mẽ cho nhân vật của mình?
Trước hết, theo tôi, đó là do những tác động từ cuộc sống. Bị bứng ra khỏi gốc rễ ở lớp tuổi 15, 17, một sớm một chiều họ không còn được sống trong không khí hồn nhiên của những mùa trăng mới lớn. Bước vào cuộc sống mới đầy cam go và thử thách, từ ngôn ngữ sống đến phong tục tập quán, họ không còn con đường thứ hai để chọn lựa. Trong những ngày tháng đầu làm một lưu dân, hít thở những luồng gió mới, đối đầu với những bất trắc mới, nhiều khi họ bị khinh khi, phỉ báng. Vì thế, bản năng sống còn trỗi dậy. “Tôi xổ Ăng Lê trong giận dữ vì cảm thấy mình bị khinh bỉ. Tôi đòi đến gặp ông chủ tiệm. Tôi đòi đi kiện. Không ai sợ con bé con 17 tuổi. Nhưng tôi mang tâm hồn con beo cái từ đó. Rồi tôi bỏ cây bút với máy ảnh mà đi ôm sách luật. Tôi đi tìm công lý trong xã hội như một kẻ mù lòa còn đi tìm ánh sáng. Như con beo cái gầy ốm muốn bảo vệ đồng loại.” (Trang 178)
Cuộc đời đã biến họ thành những con beo cái để bảo vệ đồng loại từ đó. Một Yến Vi, một Uyên Nguyên, một Nguyễn Hoàng Cổ Ngư, một Mỵ Nương nổi bật hẳn, xông xáo vào từng ngõ ngách của cuộc đời, từ báo chí đến luật học, từ kịch nghệ đến văn chương. Họ xông vào thị trường chứng khoáng Nữu Ước. Họ đi đi về về những Washington, New York, Nepan, Ấn Độ, Singapore. Họ dường như bứt hẳn, tách biệt khỏi cộng đồng da vàng.
Thứ đến, những nhân vật của Dương Như Nguyện có cá tính mạnh bởi họ mang dáng dấp của một nguyên mẫu. Nguyên mẫu nào? Điều này sẽ được phân tích kỹ hơn ở phần sau.
Cuộc sống và hoạt động bên ngoài của những nhân vật nữ chính như vậy, nhưng bên trong tâm thức, tình cảm thì sao?
Sau những ngày dài bương chải, sau những giờ giấc căng thẳng ở nơi làm việc, họ luôn cố tìm một nơi chốn thân yêu trong tâm hồn để quay về. Như một người đứng giữa hai dòng nước: bước về bên kia hay bơi ngược lại phía bên này? Một tâm thức trở về với cội nguồn trong dòng tư tưởng, trong lý trí; trở về với phương Đông trong tình người, trong tình yêu. Không chỉ là một thấp thoáng, mà là bàng bạt trên những trang sách, ở đó ánh lên một sự dứt khoát, một tâm thức trở về phương Đông ở những nhân vật nữ của Dương Như Nguyện.
Trở về? Dương Như Nguyện muốn trở về với kỷ niệm êm đềm; trở về với “kiếp trước” yên ắng của những ngày ở Sài Gòn trước cơn lốc lịch sử 1975; trở về với những gì mộc mạc nhất, đơn giản nhất, nhưng ở đó, có thể làm thay đổi một người phụ nữ thành đạt trong một xã hội tiên tiến nhất trên quả đất này; trở về với rặng Hy mã lạp sơn, đi tìm dấu chân của Phật.
“Tôi đến Mỹ khi còn là đứa bé gái hăm hở trước cuộc đời. Cuộc di cư đã cho tôi lối thoát và cơ hội để áp dụng sự phân tích của Simon de Beauvoir vào đời sống của chính mình. Nhưng tôi vẫn nhỏ nước mắt, hướng về Tây Phương và quay lại Đông Phương, thường tự hỏi mỗi nơi sẽ đem lại những gì cho tính nhạy cảm và cái tiềm thức văn hóa trong tôi. Nước mắt tôi vẫn nhỏ, cho dù bề ngoài tôi cứng rắn, vì tôi đã nghe, đã chứng, đã xót xa trong lòng về những cỗ quan tài của Tĩnh Tâm.” (Trang 30)
“Tôi, con cá vàng bơi lội về phương Tây lại quay trở về Á Đông để tìm lại bóng Từ Đàm. (…) Tôi muốn đi tìm hình ảnh đứa bé tóc quăn bước vào Đời-Là-Bể-Khổ. Cả một nửa châu Á thờ phượng Bụt, trong hình tượng một đứa bé tóc quăn, đứng uy nghi trên đài sen tinh khiết. (…). Bốn cửa thành Bắc Aán là bốn bước gian lao, bốn ngã thức tỉnh dẫn đến sự cứu độ. Và đứa bé đã chọn sự cứu độ. (…). Tôi muốn đi tìm dấu chân hai ngàn năm trước của người đã chọn sự cứu độ.” (Trang 211-213)
Mỗi một câu là một lần xác định. Không còn thắc mắc, vấn vương. Một sự xác định dứt khoát trong suy nghĩ, trong tiềm thức cho sự trở về.
Trở về phương Đông không chỉ bằng hình ảnh một tôn giáo lớn quyện chặc trong lòng. Trở về phương Đông không phải chỉ để sống lại một thuở quá khứ, một thời xa vắng. Dương Như Nguyện còn trở về trong tâm thức bằng một tình yêu đúng nghĩa, không có những lỉnh kỉnh điều này, không có những chi li, chằn chịt khoản nọ như một thứ hợp đồng hôn nhân để chuẩn bị cho một sự rạn nứt sau này.
“Uyên mở ví lấy bản hợp đồng hôn nhân mà sáng nay nàng đã cặm cụi nghiên cứu. Uyên thong thả xé nhỏ bản hợp dồng ra thành từng mảnh vụn. Nàng thả những mảnh giấy vụn ấy xuống dòng nước đục của Georgetown Canal. Những mảnh giấy vụn bay phất phơ như những cánh bướm Uyên thấy lòng nhẹ hẳn đi. Uyên hình dung đến ánh mắt ngạc nhiên của hắn. Hắn sẽ hỏi tại sao. Uyên sẽ đổ tại bóng gươm Từ Hải. Chắc hắn sẽ không bao giờ hiểu được tâm trạng của người đàn bà gốc Việt trót mơ mộng và đã lỡ thần tượng hóa hình ảnh một người yêu hào hùng, bảo bọc như Từ Hải.” (Trang 91-92)
Có thể nói rằng cái Đẹp của Mùi Hương Quế không chỉ là lối viết thông minh và thu hút về cái hòa nhập rất nhanh chóng, sự thành công của người phụ nữ vào dòng chính (main stream), cái bứt phá của họ trước những hàng rào định kiến cũ, mà còn là ở tâm thức trở về phương Đông. Dương Như Nguyện đưa người đọc đối diện với cái boăn khoăn, trăn trở trước hai dòng nước; nói rõ hơn là trước hai dòng văn hóa. Mỗi dòng có một nét đẹp riêng để thu hút người đời. Ở Mùi Hương Quế, nhân vật của Dương Như Nguyện như đã hòa vào cuộc sống, như trôi theo dòng chảy của phương Tây, nhưng cuối tận đáy lòng luôn ẩn chứa một sự trở về.
***
Văn chương là nghệ thuật. Nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống, đem những mảnh đời, những góc cạnh tiêu biểu vào những trang sách, trên những dòng nhạc, ở những giá vẽ nhưng nghệ thuật không hề sao chép nguyên mẫu của đời sống. Nhà văn là người nắm bắt những gì xảy ra chung quanh cuộc sống và sáng tạo những hình tượng hay nhân vật để phản ánh một phần cuộc sống hay gởi vào đời sống những suy nghĩ riêng tư của mình. Đây là con đường hư cấu. Trong hư cấu để tạo ra nhân vật chính, nhà văn có thể dựa vào năm, bảy nhân vật khác nhau ngoài đời để tạo dựng nhân vật của mình. Tuy nhiên, nhà văn cũng có thể dựa vào một nguyên mẫu nào đó, rồi rút ra những cá tính tiêu biểu, chọn lựa những hành động mang tính khái quát, để từ đó sáng tạo ra mẫu nhân vật mới theo đường hướng nghệ thuật của mình.
Vậy Dương Như Nguyện đã hư cấu theo hình thức nào?
Ở Mùi Hương Quế, Dương Như Nguyện đã dàn dựng những truyện ngắn của mình theo hướng chọn lọc – tái tạo. Theo chân những nhân vật chính trong Mùi Hương Quế, dù nhân vật có mang tên là Gwen Young, Nguyễn Hoàng Cổ Ngư, Mỵ Nương, Yến Vi, Trâm Kha hay xưng tôi trong các truyện ngắn, nhân vật chính vẫn phảng phất hình ảnh của một-người-phụ-nữ-Á-Đông. Hay nói một cách khác, lối suy nghĩ cũng như sở thích của những nhân vật chính khá giống nhau; học thức và quan niệm sống cũng tương tự nhau. Ngay cả cái nhìn về nét đẹp của người phụ nữ cũng giống nhau: đó là mái tóc dài, rất dài và óng mượt. (Trang 15, 21, 38)
Ngoài niềm say mê mái tóc dài quyến rũ, nghề nghiệp của những nhân vật nữ chính trong các truyện ngắn của Dương Như Nguyện cũng gần như nhau: lúc là luật sư tố tụng tại New York, khi là luật sư cho một tổ hợp lớn tại Washington D.C, khi thì đại diện thân chủ và làm việc tại Singapore. Nhưng xa hơn, rõ nét hơn, những người phụ nữ này đều trẻ, đến Mỹ lúc họ vừa 17, 18, với cái hừng hực và vô tư của tuổi trẻ đầy hăm hở bước vào đời. Không những thế, nhân vật của Dương Như Nguyện còn học từ Nam Illinois, và học ngành truyền thông báo chí. Tất cả cứ lần lượt xuất hiện và nhiều chỗ giống như được viết lại từ tiểu sử, hay trích ngang từ những sở thích của nhà văn. Vì thế, dù không muốn nói rằng: họ, những nhân vật nữ chính, mang đậm hình ảnh của Dương Như Nguyện, nhưng không còn cách nào hơn.
Mùi Hương Quế là một chắc lọc từ những phần đời của người viết. Viết về mình, viết về những người chung quanh, viết với một nỗi đam mê, viết như để có dịp nhìn lại kiếp trước, để sống trọn vẹn cho kiếp sau, đã tạo nên những rung cảm nơi người đọc. Qua đó, nó cũng xác định một ngòi bút đầy năng lực dưới cái tên Dương Như Nguyện. Tuy nhiên, thử thách lớn nhất của nhà văn vẫn là vượt qua nguyên-mẫu-của-mình để đi về phía trước, để vẫy vùng trong không gian bao la, vô tận trước mắt. Và vì thế, chúng tôi đang chờ đợi những tác phẩm kế tiếp của Dương Như Nguyện trong chiều hướng này.
Có một điều cũng nên nói ở đây: cái nghe^` của Dương Như Nguyện có lẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cái nghiệp. Trên những truyện ngắn, lắm khi người đọc thấy nhiều sự kiện được dàn dựng hết sức logic, rất là cặn kẻù. Điều này làm người đọc có thể liên tưởng đến những chi tiết được sắp xếp một cách mạch lạc trên những biện minh trạng nơi tòa án. Quá logic và tường tận, không phải lúc nào cũng là một điều hay, nhất là ở thể loại truyện ngắn.
Tập truyện Mùi Hương Quế đã để lại nhiều ấn tượng đẹp. Trên từng trang sách, chữ nghĩa nhẹ nhàng, nhưng lôi kéo; hình ảnh đơn sơ nhưng thôi miên. Tất cả được dựng nên để dẫn dắt độc giả vào những nỗi niềm riêng tư, những nơi chốn xa mù, những khát khao thầm kín của nhà văn. Dương Như Nguyện đã để lại cho độc giả những cỗ quan tài của Tĩnh Tâm, đánh dấu những đau thương của một thời đại mà người phụ nữ phải gánh chịu; đưa được mùi hương quế ngày cũ vào lòng người; góp lại những trang nhật ký rời rạc của Mỵ Nương tạo nên những ray rứt dài lâu nơi người thưởng ngoạn.
Cái khác biệt giữa Dương Như Nguyện và những nhà văn nữ khác: cá tính mạnh mẽ ở những nhân vật chính, những nhân vật có thừa kiến thức để bước vào đời một cách tự tin. Họ làm chủ lấy cuộc đời mình. Và quan trọng hơn hết, ở họ, nổi bật những đam mê, nhất là đam mê ngút ngàn trong nghệ thuật.
***
Biến cố 1975 đã đẩy hai triệu người Việt ra khỏi đất nước. Trong số này, có nhiều người không bao giờ bứt ra khỏi cuộc sống cũ, suy nghĩ cũ, mà họ mang theo từ trong nước, dù sống rất lâu ở nước ngoài. Tuy nhiên, có nhiều người dễ dàng hòa vào dòng chính, và một khi hội nhập là quên lối trở về. Cũng có nhiều người sau khi hội nhập, thành công, và yên ổn trong cuộc sống nhưng vẫn thấy thiếu thốn một thứ gì đó trong tâm cảm. Lúc nào cũng thấy trống vắng một phần nào đó trong tinh thần. Và họ trở về.
Như những cánh chim, rời xa khỏi cánh rừng của mình, tìm nguồn sống ở bình nguyên khác, rồi cũng ngóng cổ nhìn lại rừng xưa để nhớ tiếng gió xạt xào buổi trưa, nhớ ánh nắng hồng xuyên qua từng lớp lá buổi sáng, nhớ tiếng đồng loại gọi nhau lúc hoàng hôn. Như những con cá vàng bơi ra khỏi vùng sống ngày trước, vẫn đau đáu quẫy đuôi hướng về chốn cũ, nhớ một nhánh rong, thương một hòn sỏi nhỏ. Cánh chim đó, con cá vàng đó, chính là hình ảnh Dương Như Nguyện trong suốt chiều dài của Mùi Hương Quế.
Đoàn Nhã Văn
8/2000
No comments:
Post a Comment