Mỗi nhà văn có những nỗi ám ảnh riêng. Và mỗi một cuốn tiểu thuyết được viết
ra, thường bắt đầu bằng một trong những ám ảnh đó. Có thể là một vùng không
gian, hay một khoảnh khắc thời gian. Cũng có thể là ám ảnh về một hay vài
nhân vật trong cuộc sống mà họ không thể nào quên nổi. Nỗi ám ảnh càng lớn,
càng thôi thúc nhà văn đẩy những con chữ của mình ra những trang giấy trắng
để hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật. Với Dương Như Nguyện, theo tôi nghĩ,
tiểu thuyết Con Gái Của Sông Hương (CGCSH), cũng khởi đi bằng nỗi ám ảnh từ
một con sông băng mình qua miền Trung nước Việt. Sau đó, những nhân vật chính
lần lượt xuất hiện, và khi xuất hiện, họ đã trở thành tâm điểm của nhà văn,
để tạo nên một CGCSH lôi cuốn.
Con Gái Của Sông Hương là một tổng hợp năm phần hồi ký, dàn trải phận người
qua 4 thế hệ, không theo trục quay của thời gian, mà bắt đầu từ Nữu Ước vào
năm 1985, ngược về Huế những năm đầu 1910, sau đó túa tản ra khắp nơi, rồi
kết thúc tại Sài Gòn, 1994. Tác phẩm xoáy sâu vào những người phụ nữ, những
người mà cuộc đời thường được gắn chặt hay khởi đi từ dòng Hương giang.
Nếu nhìn theo trục quay của thời gian, CGCSH mang những vết đau của thời thế
từ những biến động trên đất nước hình chữ S, bắt đầu từ những năm đầu 1910’s,
đã hằn lên trên những phận người: những người đàn bà trong cơn dâu bể. Từ
Huyền Phi, một người con gái mang dòng máu Chăm-pa, xuất thân từ một cô lái
đò. Thế hệ thứ hai, hai chị em sinh đôi, rồi lớn lên, một người ở lại Huế,
một người ra Bắc, “đi làm cách mạng”. Nhưng rồi cũng trở về, chịu một số phần
đau khổ cuối đời. Thế hệ thứ ba, lớn lên tại Huế, xuôi Nam, sinh sống tại Sài
Gòn. Thế hệ thứ tư, thế hệ của những mùa trăng mới lớn, đã chứng kiến cảnh di
tản có một không hai trong lịch sử, để rồi một người trong số họ phải đánh
đổi đời con gái để lấy những tấm thông hành, đưa được gia đình ra đi trong
những ngày miền Nam hấp hối. Sau một thời gian sống, học tập và thành đạt,
Simone, thế hệ thứ tư, với một sức sống mãnh liệt, một lưu dân sống trên đất
khách, về Sài Gòn, Huế, tìm lại những kỷ vật thân yêu, nghe những bước chân
lạc lõng giữa phố thị đông người, thấy lòng cô liêu vô bờ bến, trước sự quay
cuồng trong cơn lốc xoáy của những cảnh đời chung quanh. Bốn thế hệ là dài
nếu so với một đời người. Bốn thế hệ lại là quá ngắn so với bao ngàn năm chịu
đựng của người phụ nữ, những người mà vận mệnh luôn gắn liền với chiến tranh,
đau thương, trôi nổi, tan tóc, điêu linh, khốn khổ, chia cắt, thất tán của
một dân tộc. Dù là bốn thế hệ hay bốn ngàn năm, niềm đau vẫn là niềm đau, vết
sẹo vẫn mãi là vết sẹo. Niềm đau của Huyền Phi, của Quế Hương, của Sâm Hương,
hay của Simone Mỵ Uyên v.v. là những niềm đau chung, trong cơn biến động
chung của lịch sử. Hình ảnh người phụ nữ từ thế hệ đầu tiên đến Mỵ Uyên hôm
nay có thể xem là một hình ảnh xuyên thời gian. Nói một cách khác, Huyền Phi
chính là “tiền thân” của Mỵ Uyên, hay Mỵ Uyên chỉ là sự “sống lại” của Huyền
Phi. Bốn thế hệ là một người, hay một người sống xuyên qua bốn thế hệ, thực
ra không có gì khác. Bởi tất cả đều phải gánh chịu những phần số của mình. Có
khác chăng chỉ là thời gian mà họ sống, và sự chờ đợi cho mỗi “kiếp” người có
khác nhau!
CGCSH thiếu vắng bóng dáng đàn ông. Thực ra, chỉ thiếu vắng những người đàn
ông Việt! Bóng dáng mờ nhạt của vị vua trẻ của triều Nguyễn, cái yếu đuối của
vị thái giám Sơn La.v.v. chưa phải là những người đàn ông trụ cột. Bởi Vua,
rồi cũng bị đi đày, và vị thái giám cả một đời lo cung phụng, hầu hạ những
người khác, làm sao là chỗ dựa vững chắc cho phận nữ nhi trong cơn loạn lạc?
Trong khi đó, những gã đàn ông mắt xanh mũi lõ, từ những miền đất khác, xuất
hiện. Họ dùng sức mạnh của vũ khí, để độc quyền phân chia một đất nước, không
thuộc về họ, thành những “Kỳ” khác nhau để dễ thống trị! Khi lịch sử thay
đổi, lại người đàn ông khác xuất hiện dưới danh nghĩa “đồng minh”. Khi đồng
minh vững vàng ở ngôi vị, họ quyết định mọi thứ. Khi thế cuộc thay đổi, họ
quay mặt sang hướng khác, và một bàn tay chìa ra: cứu vớt. Cứu vớt đi kèm với
điều kiện. Và điều kiện đó đã giẫm lên nỗi hy sinh của người con gái sông
Hương.
Lồng trong một không khí loạn ly, thất tán, CGCSH còn dựïng nên một chuyện
tình đẹp giữa Andre và Simone. Một mối tình khác màu da, khác ngôn ngữ. Một
mối tình mở ra và kéo dài trong một quãng thời gian với nhiều con sóng lịch
sử đã phủ chụp lên một đất nước khổ đau, mang hình dạng của một một giọt nước
mắt lăn dài. Huế, Sài Gòn, Ba Lê, Nữu Ước, một không gian rộng cho một mối
tình khác thế hệ. Rộng, để thử thách, và gian nan để đánh giá lòng người. Tấm
lòng Andre dành cho Simone là tấm lòng của một người đứng bên ngoài nền văn
hóa Á đông mà cảm thông được thân phận nhược tiểu của người mình yêu, mà hiểu
được tâm linh của người mình mến, và những người đàn bà trong cùng dòng họ
của Simone. Bởi thế, trong hồi ký của mình, Simone đã ghi lại mối tình bất
diệt, vượt ra ngoài cõi tạm. “Định mệnh của chàng gắn liền với số mệnh của
tôi, trong một sự ràng buộc mầu nhiệm không giải thích bằng lời nói được.
(...) Khi tôi hiểu thấu sợi dây ràng buộc giữa chàng và tôi, mối tình của tôi
đối với chàng trở thành tấm tình đối với chính nhân bản tính trong tôi, đối
với quê mẹ và xứ sở chôn nhau cắt rún, và đối với bao nhiêu thế hệ người tị
nạn chính trị – những người luôn mang một niềm luyến tiếc, những người vô gia
cư trong địa cầu của họ, không xứ sở trong thế giới lang thang của chính họ.”
Đây là một mối tình đẹp, xuyên thời gian, xuyên lục địa. Tuy nhiên, theo tôi,
cái phận đàn bà trong những cơn biến động lịch sử, qua CGCSH, lớn quá. Cái
bóng khổ đau của những nhân vật nữ bao trùm rộng quá, nên đã che bớt những
điều khác mà tác giả muốn gởi gắm, trong đó có mối tình dị chủng.
*** Một mô tip khá rõ nét trong truyện của DNN, từ tác phẩm đầu Mùi Hương Quế đến
CGCSH: sự chờ đợi. Sự chờ đợi của những người đàn bà càng rõ ràng hơn, mang
nhiều nỗi âu sầu, u uẩn hơn qua CGCSH. Bắt đầu từ sự chờ đợi của một Huyền
Phi, chờ đợi sự đoái hoài của một quân vương. “Đã nhiều năm qua rồi, tôi vẫn
thường đứng đây nhìn vào đêm tối, linh cảm sự hiện diện của Khuôn Mặt, và
nhìn thấy nó. Tôi gọi nó là Khuôn Mặt của Bạo Tàn. Nó giễu cợt tôi hằng đêm,
bảo tôi ngưng ngóng đợi. Nhưng tôi vẫn đợi, vẫn chờ. Đêm này qua, đêm khác
tới”. Sự chờ đợi đó, tiếp nối đến thế hệ thứ hai, qua hình ảnh Ngoại Quế. Một
người cứng cỏi và bao dung; chở che và rộng lượng. Vậy mà, trong những giấc
mơ, bà bật khóc. Bà mơ gì? Vẫn là sự chờ đợi, nhưng không còn chờ đợi một
hình bóng rõ ràng, không chờ đợi một tình thương ban phát như mẹ của mình. Bà
chờ đợi để ...vớt những cỗ quan tài. Sự chờ đợi đó còn hiển hiện ở những nhân
vật khác, trong nhiều giai đoạn khác nhau. Nó cho thấy, đời sống luôn bất
toàn. Cái không cần đến nhưng lúc nào cũng phủ chụp, vây lấy đời người. Cái
mong ước, luôn lại là những điều không bao giờ thực hiện được. Và vì thế, sự
chờ đợi luôn luôn có trong tiềm thức. Và cũng như một bản năng: chờ đợi cũng
là nuôi một hy vọng, dù những hy vọng đó nằm ngoài hiện thực.
CGCSH trộn lẫn giữa thực và ảo. Khi cái thực chưa đủ bẩy lên điều tác giả
muốn gởi gắm, cái ảo được sử dụng để đưa những điều ấy đến gần độc giả. Một
trong số những hình ảnh ảo là một nhân vật đặc biệt, đó là “khuôn mặt của Bạo
Tàn”. Chỉ có những nhân vật khác, trong truyện, mới “thấy” được khuôn mặt của
nhân vật này. Chúng ta không thấy, nhưng dự “cảm” được một khi nhân vật này
sắp xuất hiện. Nhân vật này tạo nên nỗi bất an. Nhưng quan trọng hơn, theo
tôi, nhân vật này tạo sự tương tác giữa người viết và người đọc. Nó mở ra
những suy đoán, những lý giải khác nhau tùy theo góc nhìn văn hóa và lịch sử
của mỗi người. Thêm vào đó, CGCSH còn mang những mối hoài nghi. Hoài nghi
những dấu ấn của lịch sử, hoài nghi với thực tại, hoài nghi với tất cả những
gì đang xảy ra chung quanh. Sự hóa thân, như đã nói, cộng thêm sự hoài nghi
trong tâm thức, mang những dấu vết của tiểu thuyết hiện đại. Đặc biệt ở sự
hoài nghi. Nó chối từ sự tuyệt đối của công lý, của lịch sử được viết bởi
những nhà biên niên sử, của ý thức hệ, và ngay cả tình cảm cho và nhận của
những con người sống trong cùng một thời gian. Hoài nghi trong suy nghĩ và
huyền ảo trong hình ảnh, không phải là chối bỏ hiện thực, mà là vượt qua bờ
hiện thực, để đẩy được những điều muốn chuyên chở lên trang sách, mà chỉ có
tiểu thuyết mới chuyên chở nổi.
*** Một trong những thủ pháp nghệ thuật nổi bật trong CGCSH là tính ẩn dụ. Ẩn dụ
thì thường hằng, xuất hiện rất nhiều trên những trang sách của các nhà văn.
Có gì mới? Không, điều đặc biệt ở đây là sự ẩn dụ không phải ở hình tượng
nhân vật, cũng không phải trong ngôn ngữ đối thoại. Ẩn dụ trên những trang
chữ của Dương Như Nguyện mang những nét văn hóa đặc trưng từ hình tượng sự
vật, những vật tưởng chừng như vô tri, vô giác, lại nói lên rất nhiều điều.
Điển hình như chiếc sập gụ và những cỗ quan tài. Đây là những hình ảnh đắc
địa của tiểu thuyết.
Chiếc sập gụ bắt đầu từ thế hệ thứ nhất. Nó là món quà đặc biệt mà Vua Thuận
Thành đã ban tặng cho Huyền Phi, khi bà có mang đến tháng thứ bảy, hy vọng bà
sẽ sinh con trai. Có con trai là sẽ có những người đàn ông. Có những người
đàn ông là sẽ có những cột trụ chống giữ bão táp, phong ba giữa cuộc đời.
Nhưng cuối cùng, bà Huyền Phi không có con trai. Chỉ có con gái. Không chỉ
con gái, mà là gái sinh đôi. Một sinh đôi, về sau lại ngã về hai hướng, như
truyền thuyết ngày xưa, kẻ lên rừng, người xuống biển. Chọn lựa hay định
mệnh? Chiếc sập gụ cũng nổi trôi theo vận nước như một đời người. Đến đới thứ
tư, chiếc sập gụ đã vào tay kẻ khác sau cơn lốc đổi đời. Simone tìm về sập gụ
như tìm về nguồn cội. Tìm về để thấy, để hãnh diện cội nguồn còn đó, và sừng
sững giữa chốn tù đọng, bẩn thỉu của cái ô nhiễm xung quanh.
“Tôi vén màn lên và trố mắt nhìn.
Dưới chiếc màn muỗi rách, cái sập “chân quỳ” bằng gỗ sơn mài quá hào nhoáng
và trang trọng trong khung cảnh nghèo nàn xung quanh, cái sập đứng điềm tĩnh
trong một góc tối, như thể đã đợi tôi về trong suốt thời gian qua. Mặc dù có
nhiều vết xây sướt và những mảnh khảm xà cừ đã chịu nhiều sứt mẻ, cái sập vẫn
còn ngạo nghễ phô trương nét sơn bóng trong môi trường bẩn thỉu.
Cái sập vua ban cho Huyền Phi yêu quý, vẫn còn chờ đợi tôi.”(...)
Tôi cảm nhận hơi mát và nhẵn của mặt gỗ gụ dưới lưng và tứ chi. Đâu đây, tôi
vẫn còn nghe tiếng Ngoại Quế bên tai, cũng trên chiếc sập này, khi tôi bắt
gặp nước mắt chảy ròng ròng trên má ngoại. Rất hiếm khi Ngoại khóc.”
Từ cái sập gụ, Dương Như Nguyện đi một bước nữa, xa hơn, dựng thêm một hình
ảnh khác, mà hình ảnh này, khi đứng song song với sập gụ, tạo nên một sự
tương phản, bẩy lên tính liên tưởng ngút ngàn. Hình ảnh đó, chính là những
chiếc ...quan tài.
“Trong tiếng nức nở, ngoại kể cho tôi nghe cơn ác mộng của ngoại. Trong giấc
mộng, ngoại đang ngồi một mình bên bờ sông, trước mắt ngoại nước sông trôi lờ
đờ, dòng nước mát trôi xuôi, rõ ràng là ngoại nhìn thấy dòng nước lạnh đang
chuyển động, nhưng tất cả không gian vẫn im lặng một cách ma quái. Trong sự
im lặng tuyệt đối, dòng sông vẫn trôi, mặc dù thời gian dường như ngưng lại.
Có những vật gì đang trôi theo dòng nước. Những vật ấy cũng trôi lặng lờ,
không một tiếng động.
Quan tài, đó là những quan tài đang trôi trên mặt nước, nhiều quá, ngoại
không đếm xuể...”
Quan tài! Quan tài là hình ảnh tử biệt. Quan tài là hình ảnh mất mát, không
bao giờ lấy lại được. Quan tài là nấc cuối cùng của sự chịu đựng. Nhìn xa
hơn, chúng ta thấy hé lộ phần nào tư tưởng của nhà văn qua hai hình ảnh ẩn dụ
này. Thử đặt chúng song song với nhau.
Sập gụ và quan tài.
Chiếc sập gụ là chỗ nằm. Chỗ nằm của người sống.
Cỗ quan tài cũng là chỗ nằm. Chỗ nằm của người chết.
Một cái mở ra, cái kia đóng lại. Cái khai sinh sự sống, vật báu của Vua ban;
cái khép lại một đời người, đi về bên kia thế giới. Giàu nghèo cũng một cỗ
quan tài. Trăm năm trong một chỗ nằm! Xa hơn nữa, một thế hệ chịu đựng để
ngồi vớt những cỗ quan tài. Trong khi đó, một thế hệ mới tìm về nguồn cội,
tìm về cái khai sinh ra sự sống. Đó là ý chí mãnh liệt. Đó là thúc đẩy kỳ cùng.
Và đó cũng là sự hướng tới, tìm về quá khứ để làm bàn đạp bước tới tương lai.
Đối lập nhau nhưng đẹp. Cái đẹp đòi hỏi “nội lực” trong nghệ thuật sử dụng
ngôn từ.
Cũng nên nói thêm ở đây, mô típ chờ đợi và hình ảnh ẩn dụ cho thấy: “tiền
thân” của CGCSH chính là tập truyện Mùi Hương Quế. Có điều khác, ở CGCSH,
Dương Như Nguyện khai triển và đẩy những mô típ này đi xa hơn tập truyện ngắn
đầu tay.
*** Sông Hương là nỗi ám ảnh. Làm thân con gái là mang những niềm đau. Con gái
của sông Hương vừa là nỗi ám ảnh tột cùng, vừa là nỗi đau xuyên thế hệ. Ngoài
chứng tích của thời thế, Con Gái Của Sông Hương còn mở ra nhiều điều suy
nghĩ, về phận người, nhất là phận người trong một nước nhược tiểu: mình không
làm chủ được mình. Trong một nước nhược tiểu, lại “thiếu” những người đàn ông
“thực sự”, thì những người đàn bà suốt đờiø cô độc như những mái chèo trên
sóng nước, và trong số họ, nhiều người gắn chặt với số mệnh: đợi chờ. Không
chỉ đợi chờ, mà đợi chờ để vớt những cỗ quan tài!
Với Con Gái Của Sông Hương và những tiểu thuyết xuất bản gần đây nhất, đặc
biệt của những nhà văn nữ, chúng ta được quyền hy vọng về tiểu thuyết Việt
Nam trong những ngày sắp tới.
Đoàn Nhã Văn Nguồn: gio-o |
|
No comments:
Post a Comment