LITERARY CRITIQUE Phê bình và phân tích văn chương
Tran Van Tong
November 1, 2010 Bình Luận
Ve^` mo^.t cuo^'n tie^?u thuye^'t nga('n no'i ve^` Thuye^`n Nha^n Vie^.t Nam:
TRI'CH: "...[N]hà bác học Pierre-Gilles de Gennes, khi ông đoạt giải thưởng Nobel về Vật Lý, năm 1991: Khi được hỏi mẫu người anh hùng của thế kỷ thứ 20 của ông là ai? Tướng de Gaulle, Gandhi, hay Mandela v.v, ông đã trả lời không chút do dự: Thuyền Nhân Việt Nam. Ông đã nói đến Thuyền Nhân với cái lễ độ tuyệt vời của một con ngưòi văn minh nhân ái. Không phải lễ độ hình thức của những câu nói rườm rà, cũng không phải lễ độ của trí năng qua những phân tích uyên bác, mà chính là cái lễ độ cao cả nhất: lễ độ của tâm can."
"
Đọc qua
“Bưu thiếp của Nam”, tôi không thể không liên tưởng đến Marcel Proust, đại văn hào
Pháp của đầu thế kỷ 20. Trong “A la
recherche du temps perdu” (Đi tìm thời gian đánh mất), Proust triển khai chủ đề về mối liên hệ tương giao kỳ diệu
giữa giác quan, ký ức và những nguồn cảm xúc thầm kín tàng ẩn trong mỗi con
người.
Dĩ
nhiên, hai tác phẩm không cùng một trọng lượng, không cùng một tầm vóc: một bên
là một trường thiên tiểu thuyết dàn dựng xã hội thượng lưu Tây Phương kiêu sa
với tâm lý nhân vật rất tế nhị và sâu sắc; một bên là một tiểu thuyết ngắn, tả
những mảnh đời trong xã hội Việt Nam ở buổi giao thời, bị nhào nặn bởi cơn lốc
của một giai đoạn lịch sử thảm khốc. Tuy nhiên, cả hai đều là một tượng đài của
thời gian được cấu trúc trên một ý thức bén nhạy về sự vĩnh cửu và huyền năng
của nghệ thuật.
Những
điểm tương đồng và những nét tương phản giữa hai tác phẩm thể hiện rất sinh
động tính phổ quát của một số tình cảm cùng động cơ tâm lý của con người và, ở
một mặt khác, tác động đặc thù của các nhân tố lịch sử, xã hội, văn hóa
trên quá trình sáng tạo của một tác giả.
“Đi Tìm Thời Gian Đánh Mất” đưọc cấu trúc trên giai thoại
“chiếc bánh madeleine”, một giai thoại đã trở thành một huyền sử văn chương:
vào một buổi chiều đông rét mướt, bị nhuốm lạnh, Proust, nghe lời mẹ, phá lệ,
hớp một muỗng nước trà hòa với những mảnh vụn của một chiếc bánh “madeleine”
(một loại bánh bông lan), để sưởi ấm người. Khi khứu giác cảm nhận ra hương vị
của chiếc bánh mà mình thường thưởng thức thuở ấu thời, thì bất thần ký ức và
các nguồn xúc cảm thầm kín chuyển động, đột phá thời gian, dần dần mang trở về
thế giới huyền ảo của thời thơ ấu, cái thế giới thượng lưu xa hoa, hào nhoáng
đầy đình đám của xã hội Pháp vào cuối thế kỷ 19, với những thiếu nữ rực rỡ như
những đóa hoa nở rộ và những mối tình trưởng giả được bao che. Và đó là bước
khởi hành đưa Proust đi trên con đường thiên lý, «tìm thời gian đánh
mất,» làm sống lại quá khứ trong một hiện tại riêng tư, được nhà văn cấu tạo
lại muôn phần sinh động, phong phú và nồng nàn hơn cái thế giới hiện thực của
thời xa xưa…Hành trình đó, sau cùng, đã giúp Proust tìm ra bí quyết – nằm trong
huyền năng sáng tạo của nghệ thuật – để khắc phục sức tàn phá của thời gian,
vượt ra ngoài vòng tử sinh của tạo hóa.
Quá
khứ trong “Đi Tìm Thời Gian Đánh
Mất,” như Proust đã viết ra, “là một linh hồn sinh động, nằm trong nội
tâm, luôn tưởng nhớ, ao ước, chờ đợi …” được xúc tác bởi một giác quan đặc biệt
nhạy cảm với ngoại cảnh (ở đây khứu giác qua hương vị của chiếc bánh) để trổi
dậy hồi sinh.
Quá
khứ trong “Bưu Thiếp Của Nam” trú mình trong đáy sâu của
tiềm thức, sau những bức tường thành tâm lý kiên cố. Qua thị giác, những tấm
bưu thiếp lần lượt luồn qua những phòng tuyến đó, để đánh động ký ức, đưa
chúng ta đi từ cái xã hội phồn vinh đầy tiện nghi của thủ đô nước Mỹ, trở về
với thời thơ ấu của nhân vật Mimi, ở một ngõ hẻm Sàigòn, trong giai đoạn chiến
tranh sắp kết thúc – một giai đoạn lịch sử đen tối và đẫm máu.
Và
từ cái thế giới của một cuộc tình trẻ thơ rất đẹp, hiện ra chập chờn hình bóng
của những trại cải tạo, những làn sóng người vượt biên thảm khốc, những trại tỵ
nạn bần cùng của hậu bán thập niên 70 và 80, trong đó con người phải tận dụng
bản năng man rợ trong cảnh khốn cùng nhất để sinh tồn. Trong nghịch cảnh đó,
tác giả đã phục hồi cho chúng ta những nguồn cảm xúc thơ ngây, trong trắng,
phục sinh lại cuộc sống và tình người, đồng thời phác họa ra chân dung cái đẹp
ở trần thế.
Cái
đẹp hiển lộ ở đây, không phải là cái đẹp xa xỉ phẩm dành riêng cho một giai cấp
biệt đãi của xã hội, cũng không phải cái đẹp sản sinh bởi một thứ nghệ thuật vị
nghệ thuật hoàn toàn giả tạo, cầu kỳ, trừu tượng của một xã hội phù phiếm. Cái
đẹp ở đây chính là cái sinh khí và sinh lực mà nhà thơ Pháp René Char đã
đề cao trong câu thơ được viết ra giữa cơn lốc của cuộc kháng chiến gian truân chống
chế độ bạo tàn Đức Quốc Xã trong đệ nhị thế chiến: “Trong đêm tăm tối của chúng tôi, không chỉ có một chỗ được dành
cho cái đẹp, tất cả chỗ chúng tôi có, đều được dành cho cái đẹp”
(“Dans nos ténèbres il n’y a pas une place pour
la beauté, toute la place est pour la beauté”, René Char, Les feuillets
d’hypnos, 237). Cái đẹp ở đây không tùng phục một chủ nghĩa, hay một ý hệ hoặc
một đảng phái nào. Nó chỉ phụng sự cho con người, cho tự do, cho sự khổ đau của
con người.
Bài
học nghiệt ngã mà ta phải rút ra từ cái đẹp trong “Bưu Thiếp Của Nam” không
phải là bài học về tác phong anh hùng, đúng, sai, xấu, tốt, mà là bài học
về tình người và về nguồn mạch tinh thần của một tập thể. Hiểu như thế,
cái đẹp không hề áp đảo một ai, nhưng trái lại, trong suốt chiều dài của lịch
sử nhân loại, trong từng ngày, ở từng giây phút, nó đã an ủi và nâng đỡ hàng
triệu người bị dìm trong tai biến, và có thể nó đã giải thoát vĩnh viễn một số
cá nhân …Sự cao cả của nghệ thuật nằm ở chỗ đó, trong sự phân xẻ triền miên
giữa cái đẹp và sự khổ đau, giữa cơn sốt sáng tạo cô đơn và tình liên đới với
một tập thể, giữa hai bờ vực thẳm của phù phiếm và tuyên truyền. Người nghệ sĩ
phải luôn tiến đi trên con đường cheo leo đó. Mỗi bước đi là một cuộc
phiêu lưu, một sự mạo hiểm tột cùng. Nhưng, tất cả tự do của nghệ thuật nằm
trọn trong bước đi đầy rủi ro đó. Và chỉ trong bước đi đó mà thôi.
Vì
thế, nghệ thuật không thể chỉ là nơi trú ẩn lánh đời tiêu cực của một cá nhân.
Sáng tạo của nghệ thuật luôn luôn là một dâng hiến cho tương lai. Hiểu như thế,
ý niệm “refuge of art” (“nơi trú ẩn của nghệ thuật”) mà tác giả viện dẫn từ nhà
văn Nabokov, là sự thăng hoa, một tia chớp đưa con người từ hoàn cảnh bần cùng
lên đỉnh cao của ánh sáng. Và nếu trong dòng chảy của lịch sử, kiếp nhân sinh
quả thật chỉ mong manh như một tia chớp, thì nơi “trú ẩn của nghệ thuật,” trong
“Bưu Thiếp Của Nam,”
thể hiện một cách sinh động câu nói của nhà thơ René Char: “Nếu ta vào cư trú
trong một tia chớp, nó sẽ trở thành trung tâm của sự vĩnh cửu” (“si nous habitons un éclair, il est le coeur de l’éternel”).
VỀ BỐI
CẢNH THUYỀN NHÂN
Ngoài
những thích thú về mặt văn chương, khi đọc qua «Bưu Thiếp của Nam,» tôi có nhiều cảm xúc và không
ít suy tư.
Thảm
trạng thuyền nhân Việt Nam vào cuối thế kỷ 20, được dùng làm thảm dệt cho tác
phẩm, đối với tôi, nói theo Hoàng Cầm trong bài Bên Kia Sông Đuống, thuộc về «những chuyện muôn đời không nói năng.»
Nói
thế nào về những thảm họa và những điều bất hạnh mà chính mình không hề chia xẻ
hay ít ra không chắc cảm nhận được một cách trọn vẹn? Thế nhưng, lòng tôn kính
đối với các nạn nhân đòi hỏi chúng ta phải cố nói lên sự thật mà chúng ta biết
được về nguồn gốc của thảm họa nầy.
Thuyền
nhân Việt Nam là hình thái tiêu biểu và thảm thiết của hiện tượng di dân và tỵ
nạn ở thế kỷ 20. Nghĩ cho cùng, thảm trạng này là hệ quả tối hậu của sự chuyển
hoán trong tư tưởng Tây phương, xảy ra cách đây hơn 300 năm.
Từ
thế kỷ thứ 6 trước Dương lịch đến giữa thế kỷ thứ 17, tư tưởng Tây Phương theo
đuổi 2 mục tiêu: đạo làm người và khám phá quy luật vận hành của tạo hóa.
Từ giữa thế kỷ thứ 17 trở đi, sứ mạng khám phá quy luật tạo hoá bị Khoa Học
hiện đại chiếm lĩnh, còn đạo làm người với mục tiêu truy tìm ý nghĩa của cuộc
sống, theo đuổi hạnh phúc cá nhân, thiết lập công lý và trau dồi đức hạnh, cũng
bị sao lãng và đưọc chuyển nhượng lại cho tôn giáo. Triết học chỉ còn nghiên
cứu lãnh vực Siêu hình. Đến thế kỷ thứ 18, đạo làm người lại di chuyển
sang sân chơi gọi là chính trị: mục tiêu Hạnh Phúc và Công Lý được theo
đuổi qua thuật tổ chức một xã hội công bằng nhằm đem hạnh phúc cho mỗi thành
viên qua quá trình thiết lập một nền công lý tập thể. Cả ngành đạo lý của Triết
học từ đó được sáp nhập vào những hệ chính trị lớn. Và đấy là nguồn gốc sản
sinh ra, trước nhất, các cuộc cách mạng xã hội, văn hóa, chính trị kế tiếp, kế
đến những ý hệ hoang tưởng lớn của thế kỷ thứ 19, đưa đến sau cùng việc hình
thành chủ nghĩa chuyên chế toàn trị ở Âu châu vào đầu thế kỷ thứ 20 mà phát xít
và cộng sản là hai hình thể chính.
Hiển
nhiên, quá trình cấu tạo ra nguyên nhân của thảm họa di dân và tỵ nạn của thế
kỷ 20, đặc biệt của Thuyền Nhân Việt Nam, có những cội rễ ăn sâu trong lịch sử
của tư tưởng Tây Phương. Trước Marx và Lénine đã có những tác giả lớn đề xướng
ra ý hệ hoang tưởng như Plato trong «Republic» (Cộng Hòa) ở
thời Cổ Đại Hy Lạp, Thomas More trong «Utopia»
(Hoang Tưởng) ở thế kỷ thứ 16, Tomasso Campanella trong «La Cité Du Soleil» (Đô Thị Của Mặt Trời) ở thế kỷ thứ 17, Charles Fourier trong một số tác phẩm ở thế kỷ
thứ 19. Tất cả đều thảo ra một chương trình nhằm thiết lập một xã hội gọi là
công bằng nhưng kỳ thực tột cùng chuyên chế.
Nói
tóm lại, trong hơn 3 thế kỷ vừa qua, tư tưởng Tây phương đã không ngừng xa lánh
con người để dồn nỗ lực cấu trúc ra những hệ chính trị lớn với hậu quả vô cùng
tai hại cho nhân loại.
Ở
mức độ rất khiêm tốn, «Bưu
Thiếp của Nam» mở ra một hành trình đảo ngược, mang ta trở về trọng tâm
của con người khi triển khai những đề tài như: ký ức, tình người, cái đẹp ở
trần thế, nguồn mạch tinh thần của một tập thể.
Do
đó, ta phải tôn trọng những nỗ lực sáng tác và phổ biến một tác phẩm như «Bưu Thiếp Của Nam,» trong những điều kiện
khó khăn. Nghịch cảnh xã hội và điều kiện cá nhân khắt khe thường tác
động như một chất men kích thích trên các nhà sáng tạo, và xa hơn nữa, trên tất
cả những ai cưu mang một số giá trị tinh thần. Như trường hợp của Pasternak hay
Soljenitsine trong thời kỳ cận đại, hay Hàn Mạc Tử, hoặc Mozart (chết trong bần
cùng, thân thể bị vùi trong mồ tập thể) và Beethoven (điếc ở tuổi 30, điều
khiển dàn nhạc đại hòa tấu mà không nghe được âm thanh) ở thế kỷ 18, v.v.
Nan
đề mà người nghệ sĩ hay nhà tranh đấu phải đối phó không là sự chênh lệch giữa
những điều kiện cá nhân và mục tiêu theo đuổi, mà chính ở chỗ lắm khi họ không còn tìm thấy lý lẽ để tiếp tục theo đuổi mục
tiêu.
Khổ
công của tác giả và dịch giả cho thấy nếu điều kiện cá nhân quả thật khó khăn
thì ngược lại lý do theo đuổi mục tiêu càng thêm rõ ràng sáng chói.
Điều
kiện cá nhân eo hẹp không bao giờ có thể ngăn chận những nhà sáng tạo. Trong
một tập thể như tập thể người Việt hải ngoại, ngày nào còn có một người – dù
chỉ một người thôi – vẫn cưu mang và bảo trì một số giá trị, thì nguồn mạch
tinh thần và di sản văn hóa vẫn còn có hy vọng vươn lên.
Nếu
tôi nhớ không lầm thì nhà văn lớn Pháp, Chateaubriand, đâu đó, có nói đến quá
trình sáng tạo trong hoàn cảnh như thế qua hình ảnh những miểng vụn của một lọ
hoa bị bể nát. Theo ông, chỉ cần một nấm đất và một luồng ánh sáng là đủ làm
cho những mảnh vụn đâm chồi. Nhà văn Albert Camus thì nói đến mạch sống
của những hạt giống bị vùi dưới băng tuyết suốt cả mùa Đông ở một vùng Bắc Phi
hẻo lánh. Chỉ một đêm thôi, khi đất trời trở mình, sáng ra, xuất hiện cả một
thung lũng đầy hoa nở rộ.
Quá
trình sáng tác và dịch thuật tác phẩm «Bưu
Thiếp của Nam» hiển nhiên là một cống hiến cho tương lai trong cái ý nghĩa đó.
Cách
thức bối cảnh Thuyền Nhân đưọc dựng lên trong tác phẩm khiến tôi nhớ lại một
chương trình truyền hình Pháp với nhà bác học Pierre-Gilles de Gennes, khi ông
đoạt giải thưởng Nobel về Vật Lý, năm 1991. Khi được hỏi mẫu người anh hùng của
thế kỷ thứ 20 của ông là ai? Tướng de Gaulle, Gandhi, hay Mandela v.v, ông đã
trả lời không chút do dự: Thuyền Nhân Việt Nam. Ông đã nói đến Thuyền
Nhân với cái lễ độ tuyệt vời của một con ngưòi văn minh nhân ái. Không phải lễ
độ hình thức của những câu nói rườm rà, cũng không phải lễ độ của trí năng qua
những phân tích uyên bác, mà chính là cái lễ độ cao cả nhất: lễ độ của tâm can.
Trần Văn
Tòng
No comments:
Post a Comment