Vài nét về tác giả
Dương Như Nguyện sinh ở Hội An, lớn lên ở Huế và Sài Gòn, rời Việt Nam năm 1975. Cha bà là giáo sư ngôn ngữ học, mẹ dạy văn chương ở trường nữ trung học Đồng Khánh, Huế. Tuy Những người con gái của sông Hương là quyển tiểu thuyết đầu tiên của Dương Như Nguyện được xuất bản ở Hoa Kỳ (tháng 8, 2005), đây không phải là tác phẩm đầu tay của bà. Tháng Ba năm 1975, một tháng trước khi Sài Gòn thất thủ, vào năm 16 tuổi, bà đã đoạt giải danh dự Văn chương Phụ nữ Toàn quốc, nhân dịp lễ Hai Bà Trưng. Bà cũng đoạt hai giải văn chương khác ở Hoa Kỳ: truyện “Người con gái tập hát” (“The Young Woman who Practiced Singing”, tiền thân của tiểu thuyết Những người con gái của sông Hương) đoạt giải Stewart Miller của Luật sư Đoàn Hoa Thịnh Đốn, đồng thời đoạt giải truyện ngắn hay nhất do Luật sư Đoàn Houston trao cùng năm 1998; Truyện ngắn "Hồn ma tỉnh Hà Tây" (“The Ghost of Ha Tay”) được đề cử nhận giải Columbine ở Liên hoan Phim Moondance năm 2001. Hai tập truyệnChín chữ của nàng và Mùi hương quế được Văn Nghệ và Văn Mới xuất bản ở Mỹ. Bà cũng là thẩm phán Việt Nam đầu tiên ở Hoa Kỳ (Houston), được Hội đồng Luật gia Mỹ ABA/American Bar Association vinh danh. Sau 18 năm hành nghề luật sư ở Nữu Ước, Hoa Thịnh Đốn, Texas, Âu và Á châu trong địa hạt luật quốc tế, hiện bà làm giáo sư luật ở Ðại học Denver. Dương Như Nguyện cũng đã từng thi tuyển vào nhạc kịch Miss Saigon, và theo đuổi ngành diễn xuất tại American Academy of Dramatic Arts ở Pasadena và Nữu Ước.
Tác phẩm
Những người con gái của sông Hương viết về thân phận những người phụ nữ trong một gia tộc mà có lẽ nỗi truân chuyên của họ sẽ được nhiều phụ nữ Việt Nam cảm thông và chia sẻ. Xuyên suốt truyện là thiên tình sử không có hồi kết của một đôi trai gái thuộc hai thế hệ khác nhau, mang hai dòng máu, hai quốc tịch khác nhau, trong một giai đoạn lịch sử Việt Nam đầy máu lửa và điêu tàn. Đây cũng là một câu chuyện tình thi vị, nối liền ba lục địa (từ Manhattan, trở về cố đô Huế, qua Paris, đến Sài Gòn rồi lại sang Texas...), nối kết ba dòng sông (Hương giang, sông Seine và dòng Hudson của Nữu Ước). Nó là tiếng khóc đời nay cho một cuộc tình mãnh liệt không biên giới, bất chấp mối thù truyền kiếp của cha ông, và cũng là một niềm hy vọng tha thiết cho quê hương. Mị Uyên (Simone), nữ nhân vật chính trong truyện, luôn có ý thức muốn vươn lên, vượt qua cái định mệnh, cái nghiệp chướng oái oăm, oan khiên của người phụ nữ nói riêng và của thân phận con người nói chung.
Giai đoạn lịch sử trong truyện kéo dài ngót một trăm năm, trong đó việc đồng hóa dân tộc Chàm được thể hiện qua nhân vật Huyền Phi, thứ phi của hoàng đế Thuận Thành (một sáng tạo kết hợp giữa vua Thành Thái và vua Duy Tân), một thiếu nữ Chàm xuất thân từ nghề lái đò trên dòng Hương giang, được tiến cung làm hoàng hậu. Dòng tộc mẫu hệ dân Chàm của Huyền Phi kết hợp với dòng dõi hoàng gia Nguyễn đã tạo ra bốn đời các nhi nữ phi thường (Huyền Phi, cô lái đò; Quế Hương, tức Ngoại Quế thâm trầm và đau khổ; bà dì Sâm Hương, một nữ anh hùng của Việt Minh; Mi Sương, người con gái thích làm vườn; Mị Uyên, người xử nữ tập hát). Không gian của truyện bao gồm cả vùng sông nước trữ tình, với những giọng hò Nam ai-Nam bình ai oán sầu thương, với hình ảnh của một cô lái đò tượng trưng cho ánh trăng Dương Thiệu Tước: “tìm trăng, trăng khuất đã lâu” sau dãy lâu đài của vua chúa trong “Đêm tàn bến Ngự”.
Truyện do bốn nữ nhân vật chính, thuộc bốn thế hệ, kể lại từ ngôi thứ nhất. Họ là nạn nhân hứng chịu những hậu quả gây ra bởi phái nam và cũng bởi định mệnh. Ðêm đêm, họ chong mắt đối diện với bản mặt của bạo tàn (The Face of Brutality):
“Tôi nhận ra nó. Cái bản mặt đó. Đường viền của khuôn mặt hòa lẫn trong bóng đêm không cho nó hình thù. Nhưng tôi biết nó đang nhe nanh đe dọa mình, vì từ cặp nhãn quang dã thú đấy lóe lên những ánh mắt theo dõi từng động tác tôi. Nhiều năm rồi tôi vẫn đứng đây nhìn bóng đêm, cảm nhận được sự hiện diện và nhận ra gương mặt đó... Nó trêu chọc tôi hằng đêm, bảo chờ đợi làm gì nữa. Nhưng tôi vẫn chờ, cứ chờ. Một đêm qua lại một đêm khác đến.” (Cung nữ Huyền Phi; trang 39).
Truyện cũng khuyên các nhân vật: "Hãy đợi chờ, hãy kiên nhẫn đợi chờ... (Wait, and wait patiently). Như nàng “Vọng Phu, trăm năm tượng đá vẫn trông chừng bể Đông, giữ gìn bờ cõi Việt Nam. Người thiếu phụ chờ chồng đã trở nên nỗi đau của người đàn bà Việt Nam trong thời chiến. Và chính nàng đã trở thành văn hóa của dân tộc." (trang 38)
Cuối cùng, kết quả của sự đợi chờ vẫn chỉ là những mong ước. Như những điệp khúc trong bài “Chờ nhìn quê hương sáng chói” của Trịnh Công Sơn.
Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ
Trong căn nhà nhỏ Mẹ cũng ngồi chờ
Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu
Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù
Chờ đã bao năm, chờ đã bao năm, chờ đã bao năm...
Chờ tin mừng sông chờ núi cũng chờ mong
Chờ trên vừng trán mẹ thắp lên bình minh
Chờ khô nước mắt, chờ đá reo ca
Chờ áo cơm nuôi cho những trẻ con không nhà
Chờ ngày Việt Nam thống nhất cho những tình thương vỡ bờ...
Những câu chuyện các nữ nhân vật kể, tuy là tiếng nói của từng thời đại, nhưng đều có thể được xem là hiện thân hay đầu thai của Mị Uyên, chắt của Huyền Phi. Liệu những người con gái của sông Hương (và cả những người con gái Việt Nam khác) có thể đi theo tiếng gọi của tình yêu mà không phải chịu sự chi phối của hoàn cảnh và lịch sử? Liệu tâm tư họ có thể vừa có thể chất chứa những dục vọng bình thường, lại vừa trĩu nặng vì hoàn cảnh đất nước? Những xung đột vừa âm ỉ, vừa mãnh liệt này được thể hiện qua cá tính, tâm trạng, tình cảnh khác nhau của bốn đời phụ nữ (và các nhân vật liên hệ) trong tiểu thuyết, kết tụ lại ở số phận của Mị Uyên.
Ngoài ra, truyện cũng tường thuật những biến chuyển quan trọng của thời cuộc cũng như cuộc đời của các nhân vật phụ như Sylvain Foucault, quan khâm sứ Pháp, ông nội của Andre Foucault (người tình của Mị Uyên); hoạn quan Sơn La và tì nữ Mệ Mai (cả hai đều là thân cận của hoàng hậu Huyền Phi); công chúa Sâm Hương (Princess Ginseng), người đi theo Việt Minh; ông Christopher Sanders, một phóng viên người Mỹ (chồng của Mị Uyên). Họ là những nhân vật lịch sử hay tạo nên lịch sử.
Đọc xong Những người con gái của sông Hương, độc giả Việt không khỏi ngậm ngùi cho thân phận của nhân vật chính, cho thân phận của đất nước. Người ngoại quốc có lẽ cũng sẽ cảm động trước mối tình của Mị Uyên và Andre Foucault, cũng như trước lịch sử quá khắc nghiệt của dân tộc Việt. Tuy vậy, độc giả Việt, nhất là phái nam, sẽ phải tự hỏi: ngoài nhân vật vua Thuận Thành, vì sao câu truyện không đả động đến một người đàn ông Việt có tầm vóc nào? [1]
Tháng Tám 2005
© 2005 talawas (reprinted with author's permission)
[1]Tác giả cho biết sẽ có nhân vật Từ Hải trong tác phẩm tới chưa xuất bản của bà.
No comments:
Post a Comment