ĐỐI CHIẾU VĂN CHƯƠNG TRONG NƯỚC VỚI HẢI NGOẠI VÀ TIÊU CHUẨN PHÊ BÌNH SÁCH:
***
LỊCH SỬ, SỰ THẬT HAY TIỂU THUYẾT?
“SÔNG HƯƠNG, DỊ HƯƠNG VÀ BÓNG ĐÈ”
Dương Như Nguyện:
• Sản phẩm trung học của VNCH; giải thưởng văn chương phụ nữ VNCH 1975.
• Thành danh ở Mỹ;
• Thập niên 79-80 (lứa tuổi đôi mươi): học báo chí.
• Thập niên 1990-2000 (lứa tuổi 40-50): Xuất bản Mùi Hương Quế; Daughters of the River Huong; Mimi and her Mirror; Postcard from Nam; giải thưởng International Book Awards, loại tiểu thuyết đa văn hóa (Los Angeles).
Đỗ Hoàng Diệu:
• Sản phẩm của XHCN;
• Thành danh ở VN;
• Thập niên 2000 (lứa tuổi đôi mươi): Bóng Đè không được VN đưa cho giải thưởng văn chương nào cả.
Sương Nguyệt Minh, Quân Đội Nhân dân, VNCHXHCN, viết Dị Hương
Được Hội Nhà Văn VN trao tặng giải thưởng văn chương toàn quốc năm 2010.
Vua Gia Long: Thống nhất sơn hà –
Thế Tổ Cao Hoàng Đế: Quân vương hay ác quỷ của Dị Hương ???
TÓM TẮT PHẦN 1:
Trong Phần 1 của cuộc phỏng vấn thực hiện bởi Quê Hương (QH), Dương Như Nguyện (DNN) nói về phân tích văn chương và phân loại tiểu thuyết. Trả lời câu hỏi của QH về tập truyện Mùi Hương Quế, bà đề cập đến Hồ Xuân Hương, Anais Nin, và Phạm Thị Hoài.
TÓM TẮT PHẦN 2 DƯỚI ĐÂY:
Người đọc tiếng Việt đã xôn xao về một tác phẩm (không phải là tác phẩm văn chương) đã bị từ chối không cho xuất bản ở VN, nhưng lại được tung ra thị trường ở hải ngoại, gây nhiều bàn cãi trong dư luận về giá trị lịch sử: đó là cuốn “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức. Nhân dịp này, QH tiếp tục đưa ra một đối chiếu khác, qua Phần Hai cuộc mạn đàm văn chương với Giáo Sư Dương Như Nguyện. Tuy trọng tâm cuộc mạn đàm là thế giới của văn chương sáng tạo và nghệ thuật tiểu thuyết, DNN đã nhắc đến và nêu kết luận về tiêu chuẩn chung cho tất cả các sách bất kỳ loại nào. Bà gọi tiêu chuẩn đó là “cái khuôn vuông tròn” để đo lường bất cứ cuốn sách nào “trong công việc đi tìm và phô bày sự thật,” cũng như “trách nhiệm của ngòi bút trước độc giả và lịch sử.”
Đầu thập niên 2000, Giáo Sư DNN đã nghiên cứu về tiêu chuẩn phân tích và phê bình văn chương sáng tạo (thuộc về chương trình “post J.D.” của Bà tại đại học Harvard). Năm 1978, khi cộng đồng người Việt ở Mỹ con rất phôi thai, Bà tốt nghiệp báo chí hạng Tối Ưu từ đại học Nam Illinois, nơi giảng dạy của cố giáo sư ngữ học VN, Tiến Sĩ Nguyễn Đình Hòa. Bà phụ giảng cho giáo sư Hòa một niên khoá năm bà chỉ mới 19 tuổi. Trong Phần Hai của cuộc mạn đàm với Quê Hương, đăng tải dưới đây, Bà nói về tiêu chuẩn phê bình qua cách phân loại sách, đồng thời đối chiếu văn chương sáng tạo trong và ngoài nước qua dạng tiểu thuyết lịch sử.
Bà so sánh “mùi hương” và “bóng…” bằng cách nói đến tác phẩm Dị Hương và Bóng Đè, đã xuất bản trong nước.
TRÍCH: “Giá trị văn chương sáng tạo phải tuỳ thuộc vào mục đích, ngụ ý , biểu tượng, chủ trương và chiều sâu tư tưởng của tác giả, cũng như cái đẹp của tác phẩm về phương diện mỹ thuật. Công cuộc phẩm định giá trị ấy là chỗ đứng cao quý, lương tâm, đạo đức và mỹ thuật tính của nhà phê bình. Theo tiêu chuẩn của Roland Barthes, thì nhà phê bình cũng là nhà sáng tạo. Đạo đức của cây viết đặt nặng trên cả hai: nhà văn sáng tạo và nhà phê bình văn chương, hai thế đứng khác nhau, cùng chung một sứ mạng. Theo tôi, đó là sứ mạng đem cái đẹp và nhân bản tính vào công cuộc đi tìm sự thật của nhân loại: đi tìm lòng cao thượng ở chốn bùn lầy, đi tìm sự hàn gắn cho tất cả mọi đổ vỡ, đi tìm hy vọng cho mọi thảm kịch, rồi gói ghém tất cả vào nghệ thuật cô đọng của ngôn ngữ, diễn tả qua lời kể truyện. Như thế, nhân vật trở thành nhân chứng. Tôi gọi việc gói ghém này là“cái khuôn vuông tròn và tính chất trọn vẹn của một tiểu thuyết văn chương!”
“…Còn những tác phẩm nghiên cứu hay tường thuật, theo dạng “phi tiểu thuyết” (non-fiction), thì dĩ nhiên độc giả và nhà phê bình không cần đi vào thế giới sáng tạo của văn chương. Tuy thế, tác giả cũng vẫn phải hoàn tất “cái khuôn vuông tròn” ấy, trong việc đi tìm và phô bày sự thật. Đó là trách nhiệm chung của ngòi bút trước độc giả và lịch sử!”
***
QH: Việc phân loại sách quan trọng như thế nào trong chu trình phân tích và phê bình, thưa chị?
DNN: Quan trọng lắm, vì việc phân loại khẳng định tiêu chuẩn đánh giá của người đọc cũng như của nhà phê bình. Thí dụ: khi tác giả đã khẳng định một cuốn sách là tiểu thuyết, thì phân tích và phê bình phải đi vào giá trị của nghệ thuật và sáng tạo, thay vì quay quắt về vấn đề các dữ kiện đời sống và lịch sử “đúng” hay “sai,” “đầy đủ” hay “thiếu sót,” “công bằng” hay “thiên vị,” như khi đánh giá sách “phi tiểu thuyết” (non-fiction) nhất là về lịch sử hay chính trị. Điều tối kỵ là bóc vỏ “tiểu thuyết” để công kích tác giả, cho rằng tác giả là nhân vật. Nếu chuyện này xảy ra, gây hoang mang cho độc giả về ranh giới giữa đời sống và tiểu thuyết, thì đó là hành vi thiếu lương thiện mà giới phê bình đứng đắn của một xã hội văn minh ngày nay không thể bước vào.
Trái lại, khi một cuốn sách rõ ràng là dạng hồi ký, nghiên cứu, hay “phóng sự,” thì giá trị phải đặt theo tính chất công bằng, tính chất đầy đủ của việc nghiên cứu, sự đóng góp vào việc ghi chép lịch sử, hoặc dựa trên tiêu chuẩn trung thực và nghiêm túc: dữ kiện có xác đáng, dựa trên nguồn chính xoác và uy tín, cuốn sách có trình bày nhiều quan điểm khác nhau của một vấn đề dựa trên những nguồn nầy, hoặc trên căn bản luận lý, qua con mắt nhà báo hay người ghi chép chịu trách nhiệm trước độc giả và lịch sử trong công cuộc đi tìm sự thật.
Nếu là tác phẩm nghiên cứu xã hội theo khoa học nhân văn, thì còn phảui định giá việc phân tích dữ liệu, diễn giải thống kê, vân vân, theo quy chế của khoa học thực nghiệm (gọi là phương pháp nghiên cứu định tính (quantitative), thay vì định lượng (qualitative).
Khi một tác phẩm không phải là văn chương sáng tạo, được dựa trên phương pháp nghiên cứu định lượng (qualitative), thí dụ như thu góp và phân tích dữ kiện lịch sử và xã hội, thì giá trị sẽ phải nằm ở tính cách đầy đủ của tác phẩm. Thí dụ: công cuộc phỏng vấn để lấy dữ kiện: phỏng vấn những ai, có tiêu biểu trong mệnh để muốn nói hay không, hỏi những câu gì, cách đặt câu hỏi, vân vân, cũng như kết luận của tác giả dựa trên các dữ kiện đã nêu ra. Nếu có nhắc đến lịch sử, thì phải kê khai nguồn, và càng nhiều nguồn nói lên nhiều quan niệm khác nhau thì càng tốt cho tính cách phân tích và lý luận của tác giả.
Một thí dụ khác: khi phê bình hay viết sách, nếu chỉ đưa nguồn ra cho thật nhiều đề “lòe” người đọc, không có nghĩa là công việc nghiên cứu hay phê bình có tính cách chân chính, vì “nguồn” có thể bịa đặt, hoàn toàn sai lầm, “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia,” hoặc bóp méo, và như thế là lường gạt độc giả, nhất là khi độc giả không có thì giờ hay chuyên môn để tìm hiểu các “nguồn” này. Từ cái gọi là phê bình và dẫn chứng, đi đến “xuyên tạc” và “công kích” bất lương để triệt hạ một tiếng nói, rất dễ dàng xảy ra, nhất là trong một quần chúng ít kiến thức chuyên môn và có tâm lý giao động vì ảnh hưởng bởi những biến chuyển của lịch sử ngoài tầm tay của họ.
Riêng về bộ môn triết lý (philosophy), ở đại học Mỹ, hoàn toàn không cho người viết được kê khai nguồn, mà chỉ có thể đặt lên giấy trắng mực đen những tư tưởng “gốc” của chính mình, dựa trên lý luận và sáng tạo.
Dù là loại sách gì chăng nữa, thì việc đi tìm chủ đích của tác giả và vấn để trách nhiệm đạo đức của ngòi bút tác giả là tối quan trọng trong vấn để phân tích và phê bình sách. Trách nhiệm ngòi bút của nhà phê bình vì thế còn quan trọng hơn cả tác giả, vì nhà phê bình, nếu có lương tâm và có chỗ đứng trong thế giới sách vở, là người đã tự đứng ra nhận lãnh nhiệm vụ hướng dẫn quần chúng.